Vai trò của cán bộ, công chức trong thực hiện cải cách hành chính
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện nhìn chung được chủ động, thường xuyên thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định. Huyện đã rà soát, bố trí, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; sắp xếp cán bộ, công chức theo đúng đề án vị trí việc làm, chất lượng văn bản được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn huyện.
Trong năm 2023, ngay đầu năm UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 07 ngày 17/01/2023 về việc thực hiện CCHC năm 2023. Trong đó, chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC và phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức phụ trách công tác CCHC tại ban, phòng, ngành huyện và tại các Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện, xã, thị trấn. Tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời được UBND tỉnh phê duyệt 173 TTHC thuộc cấp huyện và 77 TTHC thuộc cấp xã lên mức độ 4 theo Quyết định số 1787/QĐ-UBND, ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân tham gia giải quyết TTHC trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% cán bộ, công chức từ huyện đến xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp và được cán bộ, công chức sử dụng. Hiện huyện đã triển khai thực hiện rất tốt hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống phần mềm đã đáp ứng được nhu cầu thuận lợi trong việc quản lý văn bản đến, văn văn đi, quy trình xử lý công việc một cách nhanh, gọn nhẹ. Theo đó, có 90% văn bản điện tử được lưu chuyển trên môi trường điện tử tại các cơ quan trực thuộc UBND huyện, chỉ còn 10% văn bản giấy; 80% văn bản điện tử được lưu chuyển trên môi trường điện tử tại các xã, thị trấn, chỉ còn 20% văn bản giấy. Tất cả các văn bản và hồ sơ đều được xử lý kịp thời, không tồn đọng.
Đạt được kết quả như trên phụ thuộc lớn vào vai trò, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức - những người thực thi công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước. Cán bộ, công chức là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu của nền hành chính nhà nước, là chủ thể quan trọng trong quá trình cải cách hành chính. Đội ngũ này có nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Để khẳng định vai trò của mình, đội ngũ cán bộ, công chức luôn chủ động, tích cực hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó đề ra các giải pháp cải tiến phương pháp làm việc giúp công tác giải quyết hồ sơ cho người dân được tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, thì đâu đó vẫn còn một vài cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, … gây khó khăn cho người dân. Do vậy, để đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước rất quan trọng. Để nâng cao hơn nữa vai trò của cán bộ, công chức trong cải cách hành chính thì người được bố trí thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính phải có trình độ chuyên môn, nắm chắc quy trình giải quyết từng vụ việc cụ thể, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin; thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, học tập nâng cao trình độ. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức cũng phải đặt lợi ích của nhân dân, của Đảng và Nhà nước lên hàng đầu. Trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân phải luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không thờ ơ, lơ là trước những yêu cầu, bức xúc của nhân dân; luôn lắng nghe ý kiến góp ý của người dân về thái độ phục vụ để điều chỉnh kịp thời. Mỗi cán bộ, công chức thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động học hỏi, giáo dục tính liêm chính, đạo đức công vụ, rèn luyện kỹ năng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức cần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm với phương châm “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, rèn luyện kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến ở các cấp độ nhằm đáp ứng nhanh chóng, kịp thời yêu cầu của Nhân dân.
Tóm lại, cải cách hành chính là nội dung quan trọng của nền hành chính nhà nước. Cải cách hành chính nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, loại bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho dân. Cải cách hành chính thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Nhận thức đầy đủ về vai trò của cán bộ, công chức, việc cải cách hành chính trong thời gian tới sẽ có những bước tiến đáng kể, đáp ứng sự kỳ vọng và tin tưởng của Nhân dân.